Du lịch tại Phú Quốc khám phá Chợ Dương Đông nằm bên bờ sông Dương Đông, ở trung tâm thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, là ngôi chợ lớn nhất trên đảo.
Chợ họp từ sáng sớm, luôn tấp nập người mua kẻ bán, trên bến dưới thuyền. Hàng hoá không thiếu thứ gì, nhưng phong phú nhất vẫn là các mặt hàng hải sản tươi và khô. Đặc biệt, hải sản tươi trong chợ lúc nào cũng tươi rói vừa được đánh bắt từ biển về do các tàu đánh cá cung cấp. Nếu mua với số lượng lớn, các chủ sạp sẵn sàng đóng thùng, chở ra đến tận sân bay hay cảng tàu giao cho khách. Ngoài ra, chợ còn có khu bán hàng lưu niệm tọa lạc san sát nhau, dọc theo trục đường cặp cảng tàu. Khu vực này, chỉ họp chợ vào lúc khoảng 5 giờ chiều và tan ngay khi trời tối. Hành khách trước khi lên tàu rời đảo có thể ghé qua để mua vài món quà lưu niệm.
Chợ Dương Đông còn là địa điểm tập trung bán các món ăn đặc sản của Phú Quốc vào buổi sáng. Các món ăn này không thể tìm thấy tại các nhà hàng khác trên đảo. Các bạn có thể thưởng thức các món ăn tuyệt vời như: trứng sam, bún nhăm, bánh canh bột lọc, cháo chả cá… Chả cá Phú Quốc là đặc sản độc đáo – chiên tại chỗ. Cứ nhìn chảo dầu sôi ùng ục, những miếng chả đường kính khoảng 20 cm từ từ vàng rộm đã thấy ngon mắt rồi. Nhưng còn hơn khi nó toả mùi thơm – mùi đặc trưng của cá biển – khiến bụng dạ nôn nao.
Đi chợ Dương Đông mà không thưởng thức bánh tét mật cật sẽ rất thiếu sót. Bánh tét mật cật có ba người bán ngay hai bên cửa chợ, đều là những cụ già cao tuổi. Mật cật là loại cây lá xoè như lá cọ, mọc đầy trên dãy núi Hàm Ninh. Thông thường, người ta dùng lá mật cật để chằm nón lá. Nhưng với ba bà cụ này, lá mật cật được dùng để gói bánh tét thay lá chuối “truyền thống”. Bánh tét mật cật làm từ nếp, sau khi “vuốt” sạch, để ráo, nếp nhuộm màu bằng nước cốt lá bồ ngót. Đậu xanh nấu nhừ cùng dây thịt mỡ làm nhân. Bánh tét nấu chín vừa bùi vị nếp, vừa ngọt hương đậu xanh, vừa thơm béo thịt mỡ lại có tính giải nhiệt, ngừa và trị được mụn nhọt nhờ nước cốt lá bồ ngót.
Dân cư tập trung hai bên bờ sông Dương Đông gần chợ, họ chủ yếu sống bằng nghề biển, cho nên thường thấy rất nhiều tàu cá neo đậu dọc theo hai bờ sông. Càng đi xa chợ Dương Đông, nhà cửa cũng bắt đầu thưa thớt dần, nhường chỗ cho những cơ sở tiểu thủ công nghiệp như đóng mới và sửa chữa tàu thuyền, máy móc nước mắm truyền thống phú quốc, buôn bán vật liệu xây dựng,… và cây cối mọc hai bên bờ sông cũng xuất hiện càng lúc càng nhiều hơn. Phong cảnh thiên nhiên tăng dần vẽ hoang sơ với dáng núi sừng sửng in bóng xuống mặt nước trong xanh.